Kháng thể ở người tiêm vắc xin cao gấp 3 lần so với người từng mắc COVID-19

khang-the-o-nguoi-tiem-vac-xin-cao-gap-3-lan-so-voi-nguoi-tung-mac-covid-19

Suckhoedoisong.vn - Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Israel, những người đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 có đáp ứng hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 mạnh hơn nhiều so với những người đã bị mắc COVID-19.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Những người được tiêm chủng có nồng độ kháng thể cao nhất, khoảng gấp 3 lần so với những người đang hồi phục sau mắc COVID-19 có triệu chứng. Hơn nữa, trong khi 99,4% những người được tiêm chủng có kết quả dương tính với kháng thể kháng COVID-19 trong mẫu máu chỉ sau 6 ngày tiêm liều vắc xin thứ hai, thì tỷ lệ này chỉ là dưới 76% ở những người đang hồi phục sau mắc COVID-19”.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 có đáp ứng hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2.

Chuyên gia về COVID-19, Tiến sĩ Eric Cioe-Peña, giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu thuộc Northwell Health, New York (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là một nghiên cứu đáng khích lệ, giúp khẳng định thêm rằng tiêm chủng phòng COVID-19 mang lại đáp ứng miễn dịch mạnh hơn so với phục hồi sau mắc COVID-19. Điều này có thể khuyến khích những người tin rằng họ đã được bảo vệ tốt vì đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục đi tiêm phòng COVID-19”.

Nghiên cứu mới này do Noam Shomron thuộc Đại học Tel Aviv và Tiến sĩ Adina Bar Chaim thuộc Trung tâm Y tế Shamir ở Tel Aviv (Israel) đồng chủ trì. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá nồng độ kháng thể COVID-19 trong hơn 26.000 mẫu máu của những người đã được tiêm vắc xin và chưa được tiêm vắc xin, cùng với những người đã khỏi bệnh sau mắc COVID-19. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt liên quan đến tuổi tác giữa người đang hồi phục sau mắc COVID-19 và người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nam giới và phụ nữ có nồng độ kháng thể khác nhau sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc sau mắc COVID-19. Ở nhóm người trên 51 tuổi, nồng độ kháng thể ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Theo nhóm nghiên cứu, điều này có thể liên quan đến sự thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ estrogen, hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ độ tuổi này, gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Tiến sĩ vi rút học Amesh Adalja, thuộc Đại học Johns Hopkins, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta đã biết rằng có sự khác biệt trong đáp ứng miễn dịch thay đổi theo giới tính. Đây có thể là kết quả của sự khác biệt về tỷ lệ các hoóc môn (estrogen và testosterone) giữa 2 giới.

Nhìn chung, những người trưởng thành trẻ tuổi có nồng độ kháng thể cao hơn và duy trì lâu hơn so với những người cao tuổi sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng: “Ở người trẻ, nồng độ kháng thể cao thường là do đáp ứng miễn dịch mạnh, trong khi ở người cao tuổi, phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch thường liên quan đến tình trạng bệnh nặng”. Họ cũng nhấn mạnh: “Cần tiến hành nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với COVID-19 ở những người đang phục hồi sau mắc COVID-19 và ở những người sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19”.

Mẫn Thu

((Theo HealthDay))

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận